Lạm phát cao, lãi suất có giảm ?
Việc đại gia ngân hàng BIDV mở màn giảm lãi suất vào chiều 5/9, lộ trình giảm lãi suất xuống 17%-19% vào tháng 9 có vẻ đang đi đúng hướng. Nhưng lạm phá còn cao, để lãi suất giảm mạnh và sâu như mong đợi thì vẫn cần chờ đợi.
Dồn dập ưu đãi lãi suất
Sau những chương trình "thí điểm" của một số ngân hàng trong những ngày cuối tháng 8, đúng hẹn với Ngân hàng Nhà nước, tuần đầu tháng 9, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các chương trình giảm lãi suất với mức độ mạnh và diện rộng hơn. Đáng chú ý, có sự tham gia của những ngân hàng quốc doanh lớn.
Ngân hàng Đầu tư phát triển cho biết, sẽ bắt đầu kiểm soát lãi suất cho vay sản xuất giảm từ 6/9/2011. Cụ thể, cho vay ngắn hạn: không quá 18,0%/năm, cho vay trung dài hạn: không quá 19,0%/năm. Đặc biệt, BIDV dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn cho các khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV, với lãi suất ưu đãi từ 15,0% - 17,5%năm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, BIDV cho biết, cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản chịu tối thiểu 19,0%/năm đối với ngắn hạn và 19,5%/năm đối với trung dài hạn, tiếp tục giữ mức lãi suất cho vay ngoại tệ ở mức cao, khoảng 6,0% - 7,0%/năm nhằm kiểm soát tín dụng ở khu vực này.
Lãnh đạo BIDV cho biết, lãi suất cho vay VND hiện nay phổ biến ở mức từ 20,5% - 22%/năm. Để giảm lãi suất sẽ hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, đây là lần thứ 2, BIDV giảm lãi suất sau đợt giảm hồi trung tuần tháng 8/2011 đưa lãi suất xuống dưới 20%/năm.
Bà Trần Thanh Hoa - Tổng giám đốc ABBANK cho biết, từ ngày 22/8/2011, ABBANK đã triển khai chương trình tín dụng đặc biệt "Yên tài chính - Vững kinh doanh", trong đó khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân vay tiền sản xuất kinh doanh tại ABBANK sẽ được giảm lãi suất 1,5%/năm.
ABBANK đang có kế họach dành hơn 1.000 tỷ đồng để tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất ưu đãi từ 18.5 - 19%/năm. ABBANK dành dư nợ 2.000 tỷ đồng từ nay tới cuối năm cho vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, tài trợ dự án trung dài hạn đối với doanh nghiệp, cho vay sản xuất kinh doanh trả góp đối với KHCN...
Bà Hòa cho biết, ngoài giảm lãi suất, ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng tiếp cận với nguồn vốn vay như suất và tạo điều kiện ưu đãi về thời gian, thủ tục hồ sơ vay vốn...
Còn Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội sau chương trình ưu đãi vốn cho nông nghiệp cũng đã lên tiếp một chương trình giảm lãi suất mới. Cụ thể, từ 05/09/2011 SHB có chương trình "Tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" với lãi suất 17%/năm đến 18%/năm với kỳ hạn cho vay tối đa 06 tháng. Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn được giải ngân từ đầu tháng 9/2011 đến hết tháng 02/2012.
Như vậy, sau các quyết định điều hành khá mạnh mẽ, nhất là việc tháo gỡ các quy định sử dụng vốn của ngân hàng, lãi suất đã được giam theo đùng cam kết với Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, đà giảm của lãi suất sẽ rõ rệt hơn kể từ tháng 9, trong đó riêng quyết định này có thể giúp lãi suất cho vay giảm bình quân 1% trong vòng 1-3 tháng vì nó giúp các ngân hàng có thể sử dụng hết vốn huy động từ doanh nghiệp, dân cư sau khi đã trừ dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản... để cho vay.
Hơn nữa, việc hủy bỏ các quy định này sẽ tạo ra sự liên thông qua thị trường liên NH, qua đó làm chi phí vốn trong hệ thống NH thấp xuống. Với điều kiện lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động vốn trên thị trường nên sẽ giúp giảm lãi suất cho vay.
Đà giảm lãi suất cho vay được củng cố hơn khi các ngân hàng đã có dấu hiệu giảm lãi suất huy động. Ghi nhận trên thị trường phía Nam hiện nay cho thấy, lãi suất ngắn hạn dưới 3 tháng chỉ còn 16-16,5%/năm, giảm 1-2%/năm so với đến 17,5%/năm. Hiện nay, mức giảm phổ biến ở các ngân hàng ở Hà Nội khoảng 0,5%. Lãi suất phổ biến hiện khoáng 18% so với mức 19% trước đây. Các kỳ hạn dài có mức giảm mạnh hơn.
Thậm chí, các ngân hàng còn cho biết, với tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng đang nhìn nhau không dám huy động vượt lãi suất nữa. Tất cả đang chờ đợi thông điệp chính thức mới sau khi có những quyết định chỉnh sửa Thông tư 13. Rất có thể, việc huy động vượt trần sẽ không còn phổ biến.
Về cơ bản, khi thanh khoản tốt lên, cho vay chậm lại được hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thì giảm lãi suất huy động là tất yếu. Điều này đã có thể nhận thấy khi lãi suất huy động thực tế giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm... Đây là tín hiệu tích cực để hỗ trợ giảm cho vay.
Lạm phát cao, lãi suất giảm?
Trong một tính toán gần đây, một chuyên gia ngân hàng cho biết, mức chênh lệch khả dĩ có thể tạo ra lợi nhuận trong tín dụng khoảng 4%. Như vậy, để lãi suất cho vay khoảng 18 - 19% thì lãi suất huy động sẽ phải tối đa là 15 - 16%, trong khi trần huy động vẫn được giữ cứng ở mức 14%. Đây có vẻ như là điều khó khăn khi lãi suất huy động vẫn đang ở mức cao 18 - 19%. Gần như không một ngân hàng nào dám giảm đột ngột như thế.
Bà Trần Thanh Hoa cũng cho rằng, việc giảm lãi suất có được thuận lợi là sự đồng thuận và quyết tâm của tất cả các Ngân hàng thương mại cổ phần, đồng thời nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi thực hiện giảm lãi suất ngân hàng vẫn gặp phải một số khó khăn như mức lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng khiến lãi suất huy động vẫn ở mức cao. Một số biến động khác trên thị trường như giá vàng, giá USD tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc điều tiết lãi suất... Vì vậy việc giảm lãi suất cho vay chỉ có thể thực hiện dần dần và phải mất một thời gian để đạt mức lãi suất 17-19% như mong muốn.
Việc giảm lãi suất trong khi lạm phát vẫn ở mức cao lại đang đặt ra nhiều câu hỏi. Lạm phát tháng 8 dù xuống thấp nhất trong 11 tháng qua nhưng vẫn trong đà tăng mạnh. Đến nay đã qua mốc 15% và với chu kỳ tăng giá cuối năm, lạm phát cả năm được nhiều người dự báo vượt mốc 17%. Trong kỳ họp Chính phủ mới đây thừa nhận, lạm phát rất khó khăn để giữ mức 18%, thậm chí có ý kiến cho rằng có thể lên đến 19%.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định lạm phát là gốc để giảm lãi suất, với tình hình lạm phát từ nay đến cuối năm còn tăng, vậy việc giảm lãi suất sẽ như thế nào. Bởi vì, nếu lạm phát tăng lên trong khi lãi suất giảm xuống liệu có còn hấp dẫn tiền vào ngân hàng khi người dân đang quen với lãi suất cao hiện nay. Chính vì thế, không có gì lạ khi vấn đề lãi suất thực dương được đặt ra ở thời điểm này.
Tính toán đơn giản cho thấy, thông thường lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người gửi tiền vào ngân hàng. Đến tháng 8/2012 lên đến 15% nếu áp dụng trần lãi suất 14% thì tiền gửi của khách hàng trên đã bị âm 1%. Thậm chí, khi lạm phát lên 18 - 19% mà lãi suất giảm thì liệu người tiêu dùng có thể bị thiệt.
Trong phân tích mới đây, lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Điều này có nghĩa là mọi rủi ro bị đẩy về phía người vay nên sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu lãi suất âm có thể làm giảm lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản của hệ thống này gặp khó khăn nên sẽ không thể làm giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách lãi suất thực âm có thể khuyến khích người dân đầu tư quá mức vào các lĩnh vực khác như vàng, chứng khoán, bất động sản và do đó có thể làm cho các thị trường này nóng sốt. Trong tác động ngược chiều không mong muốn, việc áp dụng chính sách lãi suất thực âm có thể làm cho tình trạng lạm phát thêm trầm trọng.
Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia lại có một giải thích khác về vấn đề lãi suất thực dương so với lạm phát. Theo đó, lạm phát thực dương phải tính theo lạm phát kỳ vọng tương lai. Có nghĩa không nên quá phụ thuộc vào lạm phát và lãi suất hiện tại mà phải tính cho lãi suất tương lai và lạm phát tương lai, ít nhất trong 1 năm tới.
Cụ thể, nếu người gửi tiền từ tháng 1/2011 với lãi suất 14%/năm thì cuối năm 2011, lãi suất thực âm. Nhưng, từ tháng 8/2011 đến tháng 8/2012, nếu mỗi tháng lạm phát xoay quanh mức 1% thì lạm phát dự kiến trong 1 năm tới là 12% nên lãi suất ở mức 14%/năm kể từ tháng 8 này vẫn đảm bảo lãi suất thực dương.
Tuy nhiên, người gửi tiền luôn muốn nhận được lãi suất thực tế dương so với lạm phát. Và như vậy, Chính phủ phải tạo ra được niềm tin cho người dân rằng lạm phát sẽ giảm và mục tiêu đề ra sẽ thành hiện thực. Khi đó, mới thuyết phục được người dân và mới có thể ổn định lãi suất trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, với tình hình lạm phát của thời gian qua và mức tăng dự báo trong những tháng cuối năm chắc chắn còn tăng, dù có thể là dưới 1%/tháng thì việc giảm lãi suất vẫn gây cho người gửi tiền, nhất là ngắn hạn 1 - 3 như thời giam qua thì cảm giác thua thiệt vẫn thất rất rõ và sẽ tính toán lại. Và đó, có thể là một trở ngại mà ý chỉ chủ quan hay các điều hành kỹ thuật khó có thể khỏa lấp hết.
(Theo VEF)